Không phủ nhận những bứt phá của ngành trái cây trong những năm gần đây, khi mà kim ngạch xuất khẩu tăng vượt trội so với các lĩnh vực nông sản khác qua các năm. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong nước vẫn đau đầu với mục tiêu giữ vững thị trường quốc tế, bởi càng ngày thị trường xuất khẩu càng trở nên khắt khe, khó tính.
Thanh long, mặt hàng trái cây xuất khẩu quan trọng.
Thị trường ngày càng khắt khe
Trong các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, ngành trái cây đã có bước tiến ngoạn mục, vượt qua ngành gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, chỉ đứng sau ngành chế biến gỗ và thủy sản. Hiện, trái cây việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới. Bình quân tăng trưởng rau củ quả, trái cây Việt Nam đạt 15%/năm. Có thể khẳng định, với những nỗ lực gần đây, ngành trái cây đang nước nhà đang thực sự tạo ra những ấn tượng mới cho nông sản Việt. Tuy nhiên, dù tăng trưởng đều đặn, nhưng hiện nay ngành trái cây Việt Nam chỉ mới cung ứng 1% nhu cầu thị trường thế giới. Điều này cho thấy, ngành trái cây Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa thị trường để phát triển.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hiện cả nước có 850.000 ha sản xuất trái cây, chỉ bằng 20% diện tích sản xuất lúa, nhưng mang về nguồn kim ngạch xuất khẩu hơn 3,8 tỷ USD.
Mặc dù xuất khẩu trái cây đang có đà tăng trưởng khá, song những diễn biến gần đây trên thị trường thế giới đang đặt ra những thách thức cho ngành trái cây nước nhà.
Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu dồi dào trái cây của Việt Nam, thế nhưng thị trường này bắt đầu có nhiều động thái siết chặt hơn việc nhập khẩu này. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), để mở cửa đối với 1 loại quả tươi, Trung Quốc yêu cầu phải nộp hồ sơ kỹ thuật để đánh giá nguy cơ dịch hại, dựa vào kết quả đó để xây dựng các yêu cầu nhập khẩu và ký kết Nghị định thư (Protocol). Từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để đáp ứng yêu cầu trên, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã tiến hành cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói và tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương.
Bên cạnh các tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe và yêu cầu chất lượng ngày càng cao đối với các loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc cũng đang nỗ lực để tự sản xuất các loại nông sản mà từ trước đến nay luôn nhập khẩu; trong đó có những sản phẩm vốn là thế mạnh của trái cây Việt Nam là thanh long và xoài.
Không chỉ Trung Quốc, các thị trường khác trên thế giới cũng ngày càng trở nên khó tính, khắt khe hơn. Thị trường châu Âu cũng đã xây dựng bộ quy định cụ thể đối với từng mặt hàng tại Chỉ thị 2000/29/EC. Vì vậy, dù không cần phải đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu sang EU, nhưng để duy trì thị trường thì phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật. Theo giới chuyên gia trong ngành, EU có hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, các trường hợp vi phạm đều bị cảnh báo và tùy vào mức độ vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy hoặc tạm ngừng nhập khẩu.
Bài toán khó
Có thể thấy, tất cả các thị trường đang ngày càng trở nên siết chặt, đặt ra nhiều rào cản đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có ngành trái cây. Chính bởi vậy, để có thể giữ đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, thực sự là một bài toán khó đối với ngành trái cây nước nhà. Một trong những rào cản lớn nhất mà chúng ta cần phải vượt qua đó là vấn đề về chất lượng sản phẩm.
Trái cây xuất khẩu đối diện nhiều thách thức.
Thời gian qua, không ít lô hàng nông sản của ta khi xuất sang thị trường nước ngoài đã bị trả về chỉ bởi không đảm bảo được các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguồn cơn vẫn là bởi chúng ta vẫn sử dụng chất hóa học trong bảo quả, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, càng ngày, các quốc gia đều đề cao việc bảo việc sức khỏe người tiêu dùng. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng trong trái cây sẽ không được chấp nhận, cũng như không chấp nhận thuốc giữ cho trái cây tươi lâu. Chính bởi vậy, vấn đề cần làm hiện nay là phải kiểm soát mạnh mẽ việc trồng, chế biến, bảo quản trái cây bằng chất hóa học. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng đó là tăng cường ý thức của người nông dân trong quá trình sản xuất, thay đổi tư duy, tập quán canh tác tự phát như hiện nay.
Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ NNPTNT khuyến cáo: “Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ với 7 triệu hộ, đất đai manh mún… chính là những yếu tố cản trở quá trình đổi mới phương thức quản trị, cản trở quá trình sản xuất lớn, tập trung để tạo ra những sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng”. Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, khi các sản phẩm nông sản Việt tạo ra được những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh như những đòi hỏi theo “mệnh lệnh của thị trường” thì sẽ không có rào cản nào gây khó được chúng ta.
Mặc dù vậy, ai cũng hiểu rằng, để thay đổi được ý thức, tập quán canh tác nhỏ lẻ như hiện nay của nông dân Việt Nam không phải là điều dễ dàng. Điều này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của 3 nhà: Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất.