Gỡ khó cho những gia đình hiếm muộn

28/02/2016 11:07

Cuối tháng 1 vừa qua, bé gái Đinh Quỳnh Anh- đứa trẻ đầu tiên được mang thai hộ ở Việt Nam đã chào đời khỏe mạnh, nặng 3,6 kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mang lại niềm vui cho một cặp vợ chồng hiếm muộn suốt 18 năm chờ đợi. Đồng thời mở ra hy vọng cho nhiều gia đình khác mà theo họ nếu không có kỹ thuật nhân đạo này thì chắc chắn không bao giờ có con.

Gỡ khó cho những gia đình hiếm muộn

Ảnh minh họa.

Nguyện vọng nhiều dù kỹ thuật khó

Sau 1 năm thực hiện Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28-1-2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến nay, cả nước có khoảng 100 hồ sơ đăng ký được chấp nhận.

Hiện tại, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã thực hiện 46 ca. Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh có 33 hồ sơ được duyệt và đã thực hiện được 19 ca và một số ca ở Bệnh viện Trung ương Huế. Được biết, tỷ lệ thành công của các trường hợp thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương là khoảng 50%.

Trở lại chuyện bé gái Đinh Quỳnh Anh- đứa trẻ đầu tiên được mang thai hộ ở Việt Nam đã chào đời khỏe mạnh. Bế đứa con sau hơn chục năm mong chờ, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nam) nói trong nước mắt hạnh phúc: “Vợ chồng tôi đã chờ đợi giây phút này quá lâu rồi, giây phút con chào đời, vợ chồng tôi như vỡ òa cảm xúc”.

Được biết vợ chồng chị Hà lấy nhau đã được 18 năm. Sau 3 năm không có con, anh chị đi khám hiếm muộn thì phát hiện vợ bị tử cung nhỏ bẩm sinh không thể có con. Vợ chồng cố gắng chạy chữa hơn chục năm nay mà vẫn không có kết quả. Nhiều lần chị Hà đề nghị chồng kiếm con bên ngoài nhưng anh một mực không đồng ý.

Vì thế ngay khi luật cho phép mang thai hộ, vợ chồng đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương nộp hồ sơ và được duyệt. Mang thai hộ cho vợ chồng chị Hà là người cô họ, 46 tuổi, bắt đầu thụ thai từ tháng 3-2015.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu mang thai hộ. Chi phí một lần thực hiện mang thai hộ khoảng 60-70 triệu đồng trong trường hợp ca khó; ca bình thường thì chi phí 40-45 triệu đồng. Chi phí này chủ yếu do lượng thuốc hỗ trợ phải sử dụng nhiều hay ít.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến- người trực tiếp mổ cho ca mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam, về mặt kỹ thuật, nhiều người cứ nghĩ rằng thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cũng giống và dễ như những kỹ thuật xin noãn, xin phôi, xin tinh trùng nhưng thực ra hoàn toàn không phải như vậy. Bởi vì có những cặp vợ chồng phải nhờ đến mang thai hộ vì lý do bản thân người phụ nữ không có tử cung nhưng vẫn có buồng trứng.

Đối với những trường hợp này, kỹ thuật lấy trứng, lấy noãn khó khăn hơn nhiều, thậm chí có những trường hợp phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng và nếu không có kinh nghiệm thì không thể lấy được.

Kỹ thuật này cũng thực hiện cho những trường hợp mà người vợ bị bệnh lý nặng, không thể mang thai được như những bệnh lý về huyết áp, bệnh lý về tim mạch, gan, thận, máu…

Ngay cả khi buồng trứng của người phụ nữ hoàn toàn bình thường nhưng quá trình thực hiện kỹ thuật vẫn có rủi ro, nguy cơ, thậm chí dẫn đến tử vong. Kỹ thuật mang thai hộ khó hơn so với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thông thường.

Quy định chặt chẽ

Luật quy định, những cặp vợ chồng nào chưa có đứa con chung thì mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, trong thực tế, có những cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng không may nhưng đứa trẻ bị tật nguyền do trong quá trình sinh nở lần trước cần phải can thiệp các thủ thuật về sản khoa, thậm chí không may còn có cả tai biến và người vợ bắt buộc phải cắt tử cung. Như vậy người mẹ vẫn có noãn, trứng bình thường và tinh trùng của người chồng cũng bình thường nhưng lại không nằm trong diện được mang thai hộ.

Với trường hợp này theo GS Tiến thì nếu được sinh thêm 1 đứa con nữa là rất nhân đạo. Đứa con sau này sẽ là người nuôi dưỡng và chăm sóc anh hoặc chị bị tàn tật hoặc chăm sóc cho bố mẹ. GS Tiến đề xuất, luật nên tiếp tục được bổ sung, sửa đổi thêm một số điểm, khía cạnh khác cho phù hợp với thực tiễn.

Về mặt pháp lý, một hồ sơ để được duyệt được mang thai hộ cần rất nhiều xác nhận để chứng nhận người mang thai hộ cùng dòng máu, cùng huyết thống, họ hàng; chứng nhận về hôn nhân gia đình… Ngoài ra, mặc dù là người trong gia đình thân thiết nhưng cũng phải làm các giấy tờ, biên bản cam kết.

Ngay cả khi người nhờ mang thai hộ độc thân hay ly dị thì cũng mang giấy chứng nhận có dấu của chính quyền đến các Trung tâm hỗ trợ sinh sản để kiểm tra. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người nhận phôi xem có đảm bảo hay không: tuổi tác, bệnh lý... Khi đã đầy đủ mọi yêu cầu thì các Trung tâm mới chỉ định thực hiện mang thai hộ.

Thực tế cho thấy, thời gian duyệt hồ sơ rất nhanh nhưng thời gian để các cặp vợ chồng chuẩn bị hồ sơ thì rất vất vả. Theo đó, hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm đơn đề nghị theo mẫu; bản cam kết tự nguyện theo mẫu; bản cam đoan là chưa mang thai hộ lần nào; bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của cặp vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận; bản xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về việc người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; bản xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai; bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ về mối quan hệ thân thích; bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (nếu trường hợp người mang thai hộ có chồng) đồng ý cho mang thai hộ; bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế, tâm lý, pháp luật; bản thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo mẫu.

Gìn giữ ranh giới

Dù luật đã quy định rất rõ về thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng vẫn có tình trạng rao bán tinh trùng, bán noãn, môi giới mang thai hộ trên internet hoặc cổng bệnh viện. Để giữ gìn ranh giới mong manh này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng cần trách nhiệm đồng bộ. Bởi vì chỉ có xã, phường mới biết và có quyền xác nhận, đóng dấu chứng nhận quan hệ họ hàng của người được nhờ mang thai hộ. Mặc dù thủ tục khá phức tạp nhưng như vậy mới hạn chế được việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Trước những băn khoăn về cơ sở thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, GS Tiến cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca…

Hiện Bộ Y tế cho phép 3 cơ sở thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Đó là Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh.

9 trường hợp mang thai hộ thành công chờ ngày sinh

Theo bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, tính đến tháng 1/2016, bệnh viện đã tiếp nhận 33 hồ sơ xin thực hiện mang thai hộ.Trong đó, chỉ 19 hồ sơ được chấp nhận đồng ý hoàn thành thủ tục để tiến hành mang thai hộ. Và có 16 trường hợp chính thức thực hiện quy trình, kết quả có 9 trường hợp thực hiện mang thai hộ thành công. Hiện tất cả 9 người mang thai hộ đang trong thai kỳ, chưa có ca nào sinh em bé.

Mai Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho những gia đình hiếm muộn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO