Thị trường mua bán sáp nhập: Cần sự đột phá

Thúy Hằng 21/07/2017 09:10

Tại Việt Nam, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) đang cần một cú hích mới, một sự thúc đẩy mới từ vốn nước ngoài để tiêu thụ hết lượng cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước đang chào bán, các thương vụ chuyển nhượng trong nước.

Thị trường mua bán sáp nhập đang cần những bứt phá.

Cổ phần hóa, thoái vốn cản đường M&A

Sáng ngày 20/7, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2017) dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2017. Theo đó, sau khi đạt hơn 5,8 tỷ USD trong năm 2016, mốc kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, số lượng và giá trị các thương vụ M&A chậm đi, thị trường có dấu hiện trầm lắng trở lại. Kế hoạch M&A trong năm 2017 là 5 tỷ USD có thể khó hoàn thành, bởi tính đến thời điểm cuối quý I năm 2017, tổng giá trị M&A chỉ mới đạt 1,1 tỷ USD.

Có nhiều lý do để khiến M&A chững lại, trong đó đáng chú ý là quá trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN diễn ra khá chậm và chưa xuất hiện các phi vụ “bom tấn”. Nếu như nhìn lại năm 2016, M&A khá sôi động khi nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài mua lại hoàn toàn hoặc sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều DN hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, điểm sáng phải chú ý đến từ các nhà đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Cụ thể như Big C được mua bởi Central Group, Lafargeholcim Việt Nam được mua bởi Xi măng Siam City (Thái Lan), Nhựa Tân Tiến được mua bởi Dongwon (Hàn Quốc). Ngoài ra, phần vốn của SCIC tại Vinamilk cũng được chuyển nhượng cho F&N (Singapore).

Hiện tại nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan đang rất quan tâm đến Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2017 với hàng loạt DN bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) như Mobifone, PV Oil, Satra, Becamex IDC… thì nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm hàng hóa để chọn lựa. Song điều đáng lưu ý, phần lớn các đối tác để ý đến thị trường M&A Việt Nam chủ yếu gốc gác Châu Á, mà thiếu vắng hẳn nhà đầu tư từ Châu Âu, Châu Mỹ. Các nhà đầu tư quan tâm M&A Việt Nam cũng chính là “top” nhà đầu tư đang đổ vốn FDI vào Việt Nam.

Theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Phạm Anh Tuấn, có nhiều yếu tố kìm hãm đến thị trường M&A Việt Nam: Đó là độ trễ cổ phần hóa, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo. Trong hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý cần có những lộ trình phù hợp để thích ứng để thúc đẩy M&A. Chẳng hạn với lĩnh vực bán lẻ hay ngân hàng, thời gian gần đây có sự đổ bộ của nhà đầu tư ngoại bao gồm cả yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Vì vậy cần phải thống nhất đảm bảo cho hệ thống bán lẻ phát triển lành mạnh, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, DN và cả người tiêu dùng.

Đích đến vẫn còn xa

Giới chuyên gia cũng chỉ ra, năm nay những ngành như bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, hạ tầng, năng lượng,…tiếp tục sẽ là những ngành hút vốn mạnh. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, xu thế vài năm lại đây cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài hướng thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua hoạt động M&A. Vì quy mô bán lẻ tại Việt Nam rất tiềm năng với dân số khoảng 100 triệu dân, trong khi mô hình bán lẻ lại ở mức thấp. Cũng theo thống kê, năm 2016 số lượng thương vụ tập trung nhiều nhất trong các ngành như công nghiệp nguyên vật liệu và sản xuất hàng tiêu dùng, chiếm khoảng 53% số thương vụ M&A.

Theo phân tích của giới chuyên gia, yếu tố đầu tiên để thị trường M&A có thể tăng trưởng đột phá là “mở nút thắt” về cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động M&A. Đó là các chính sách đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DN nhà nước, đẩy mạnh thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ DN trong nước huy động vốn trên thị trường chứng khoán nước ngoài... Nếu thực hiện tốt, thì đó sẽ là nguồn động lực thúc đẩy thị trường M&A tăng cả về chất và lượng.

Ngoài cơ chế, chính sách, việc quan tâm, tạo thêm nguồn hàng dồi dào về số lượng, phong phú về chất lượng, đủ sức hấp dẫn cũng góp phần thúc đẩy hoạt động M&A. Nguồn hàng này đến từ các DN nhà nước thuộc diện thoái vốn, cổ phần hoá, từ khối DN tư nhân có nhu cầu hợp tác, mở rộng quy mô, mở rộng thị trường nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn hàng này còn đến từ các start - up mới có tiềm năng, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, DN hành động.

Một yếu tố quan trọng tạo sự đột phá cho thị trường M&A chính là dòng vốn nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài. Trong 10 năm qua, khối ngoại luôn là đối tác chiến lược lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Phần lớn thương vụ tỷ USD được thực hiện với sự góp mặt của các nhà đầu tư quốc tế. Qua các thương vụ M&A chất lượng, khối ngoại không chỉ mang lại nguồn vốn lớn cho thị trường, mà còn mang về cho đối tác nội cách thức quản lý, điều hành. Thị trường M&A 2017-2018 đang chờ những cú bứt phá, những thương vụ ấn tượng. Nguồn hàng khổng lồ đến từ tiến trình thoái vốn, cổ phần hoá các DN quy mô như Habeco, Sabeco, Vinamilk… đang là sự chờ đợi của M&A.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường mua bán sáp nhập: Cần sự đột phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO