Mặt trận

Báo Giải Phóng - Mốc son Anh hùng

NGUYỄN HOÀI (thực hiện) 13/02/2024 08:18

Báo Giải Phóng là một dấu mốc quan trọng trong hành trình 82 năm hình thành và phát triển của cơ quan ngôn luận thuộc MTTQ Việt Nam. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về những đóng góp, hy sinh của thế hệ làm Báo Giải Phóng.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về những đóng góp, sự hy sinh to lớn của những nhà báo Báo Giải Phóng trong việc hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam?

ha-minh-hue(1).jpg
Nhà báo Hà Minh Huệ.

Ông HÀ MINH HUỆ: Báo Giải Phóng ra số đầu ngày 20/12/1964, đúng kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong sứ mệnh cùng đồng bào miền Nam, nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Báo ra đời trong khói lửa chiến tranh, các nhà báo đã dấn thân, vào sống ra chết, vừa cầm bút và chiến đấu trực tiếp cùng quân và dân miền Nam đánh Mỹ - ngụy.

Tôi đã có dịp gặp, trực tiếp nghe những nhà báo kỳ cựu từng tham gia làm báo Giải Phóng từ những ngày đầu, nay còn không nhiều, như: ông Nguyễn Hồ, ông Thái Duy, ông Kim Toàn… nói về những năm tháng gian khổ làm báo, chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Tất cả đều vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Riêng câu chuyện các nhà báo bí mật, trèo đèo, lội suối hàng tháng trời vượt Trường Sơn vào mặt trận để làm báo cũng đã là chiến công lớn. Những ngày tháng vượt khó phi thường của đoàn 23 nhà báo trong dãy Trường Sơn đồi núi trập trùng đã được nhà báo Kim Toàn “thuật” lại một cách sống động trong cuốn “Hai lần vượt Trường Sơn” của ông vừa xuất bản. Họ đi vào chiến trường với khí thế của người chiến sĩ.

Nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân) của Báo Cứu Quốc cũng vượt dãy Trường Sơn vào làm Báo Giải Phóng từ những ngày đầu, và đúng như cách nói “nhà báo là người chép sử thời đại”, ông ngoài viết báo còn viết cuốn truyện ký “Sống như Anh” nổi tiếng. Và còn nhiều cán bộ, nhà báo kỳ cựu từ cả ba miền được cử vào chi viện làm báo của Mặt trận, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.

Để hoàn thành sứ mệnh của cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, các nhà báo - chiến sĩ đã vượt bao gian khổ, hiểm nguy, vừa viết báo, vừa chiến đấu, một trong số đó đã ngã xuống bởi bom đạn của kẻ thù để đảm bảo xuất bản báo với những bài viết còn nguyên mùi súng đạn, mang theo hơi thở của các chiến sĩ, đồng bào miền Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước.

Mặc dù chỉ tồn tại hơn một thập kỷ, nhưng Báo Giải Phóng đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong hành trình 82 năm hình thành và phát triển của cơ quan ngôn luận thuộc MTTQ Việt Nam, thưa ông?

- Đúng như thế, dù chỉ tồn tại trong hơn 10 năm (1964 - 1977), nhưng đó là một giai đoạn đóng góp của Báo Giải Phóng vào cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc đánh Mỹ và thắng Mỹ. Bằng sự xuất hiện của mình, Báo Giải Phóng thực sự là vũ khí đấu tranh sắc bén, người bạn tin cậy của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong cuộc chiến và là niềm tự hào của báo chí cách mạng trên hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do và phát triển của đất nước.

Báo Giải Phóng viết tiếp trang sử vẻ vang của Báo Cứu Quốc, xuất hiện từ đầu năm 1942, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đập tan chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập và mang lại tự do và hòa bình.

Báo Đại Đoàn Kết kế tục sứ mệnh của cơ quan trung ương của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ đất nước thực hiện di huấn của Bác Hồ “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thực tế Báo Giải Phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 30/4/1975. Sau ngày đó, cán bộ, phóng viên Báo Giải Phóng đã bắt tay tổ chức xuất bản tờ báo mới mang tên Sài Gòn Giải Phóng - tiếng nói của nhân dân thành phố.

Và sau 15 số báo hàng ngày đầu tiên, các nhà báo Báo Giải Phóng đã chuyển giao việc xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng cho Thành ủy Sài Gòn để chuẩn bị xuất bản bộ mới của Báo Giải Phóng.

Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải Phóng đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông có cho rằng Báo Giải Phóng cũng rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu cao quý này?

- Không chỉ có tôi, mà các thế hệ người làm báo, nhất là số nhà báo đã từng làm Báo Giải Phóng, đang ngày càng ít đi do tuổi cao sức yếu, rất mong muốn cơ quan báo chí của Mặt trận được vinh danh danh hiệu Anh hùng, vì Báo thực sự xứng đáng.

Tôi đã đề đạt nguyện vọng này tới cơ quan chủ quản của Báo Đại Đoàn Kết. Trong dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), tôi đã viết bài đăng trên Báo Đại Đoàn Kết về chủ đề này. Ngày 24/8/2023, tôi viết bài “Báo Giải Phóng 60 tuổi - xứng đáng được vinh danh” trên Báo Nhà báo và Công luận - cơ quan Trung ương của Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, UBTƯ MTTQ Việt Nam là cơ quan thích hợp để xúc tiến việc làm có ý nghĩa này nhằm tri ân những cán bộ phóng viên đã có những đóng góp xứng đáng vào chiến công chói lọi của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến tháng 12/2024 này, tròn 60 năm Báo Giải Phóng ra số đầu. Đây là dấu mốc đẹp để vinh danh, ghi nhận đóng góp xứng đáng của Báo Giải Phóng.

Cùng ra đời trong khói lửa chiến tranh, cùng chiến đấu trên một chiến hào phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước, cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nền báo chí cách mạng, Báo Giải Phóng hoàn toàn xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng giống như các đơn vị báo chí khác trong binh chủng báo chí cách mạng miền Nam thời chống Mỹ như Đài phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong các năm 2018 và 2020.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo Giải Phóng - Mốc son Anh hùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO