Quốc hội

ĐBQH: “Ở kỷ nguyên tới, chúng ta không thể chỉ mỗi xuất khẩu lao động mà phải xuất khẩu các chuyên gia”

Quang Vinh, Việt Thắng 27/11/2024 16:09

Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ), Việt Nam đang là một quốc gia có xu hướng già hóa dân số nhanh. Dự báo đến năm 2038, nhóm người cao tuổi Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số và đến năm 2050, Việt Nam ở trong nhóm các nước có dân số già nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với thành tựu của y khoa và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao, đạt 74,5 tuổi.

z6073268624303_c8802c761d9a7e1414c461ead70b6922.jpg
Bà Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Bà Ánh cho rằng, thực tế cho thấy người cao tuổi từ 60-75 vẫn còn sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực làm việc tốt, còn có khả năng đóng góp, cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi ở nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, 70% người cao tuổi phụ thuộc vào chính sách trợ cấp xã hội của ngân sách nhà nước.

Bà Ánh cũng chỉ ra thực tế rằng, già hóa dân số đang là xu hướng mang tính toàn cầu. Nhiều nước xem người cao tuổi là một trong những nguồn nhân lực phát triển của đất nước. Do đó có các chương trình, chính sách tạo cơ chế để người cao tuổi phát huy, tham gia vào thị trường lao động việc làm và điều quan trọng là làm cho người cao tuổi thấy mình vẫn có ích cho xã hội.

“Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta cũng đã định hướng chuẩn bị điều kiện để thích ứng với già hóa dân số cả về phương diện chính sách, pháp luật, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội. Hay tại Luật Người cao tuổi năm 2009 tại Điều 3 có quy định người cao tuổi được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật lần này những quy định để cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi”-bà Ánh nói, và đề nghị cần phải thiết kế một chương riêng trong Luật chứ không phải chỉ là một điều để quy định đầy đủ về nhận thức xã hội về người cao tuổi, việc làm của người cao tuổi, quyền và trách nhiệm của người cao tuổi đối với vấn đề việc làm, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế về việc tạo việc làm phù hợp với người cao tuổi.

Theo ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới nên việc tạo cơ hội việc làm và cải thiện quyền cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, khi có thể tiếp tục tận dụng kinh nghiệm, chất xám của lực lượng lao động này, đặc biệt là một số ngành nghề mà người cao tuổi lại là nguồn nhân lực có chất lượng rất cao và với kinh nghiệm vốn có bao đời nay, với câu nói “Thầy già, con hát trẻ” đã thực sự có hiệu quả áp dụng ở các quốc gia trên thế giới, phát huy hết sức hiệu quả trong việc sử dụng lực lượng lao động này.

z6073585690565_e2b49678af06ed3038b2f81503bab086.jpg
Bà Trần Khánh Thu phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Bà Thu dẫn chứng, ở Nhật Bản hơn 40 năm trước đã xây dựng một hệ thống giới thiệu việc làm cho người cao tuổi từ cấp thôn, xã tới thành phố và từ năm 2013 thì Quốc hội Nhật Bản đã ban hành, thông qua Bộ luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi. “Như vậy, tạo việc làm cho người cao tuổi là một chính sách hết sức chính đáng. Do đó cần hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi”-bà Thu nói.

Trong khi đó, ĐB Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) ước tính, đến năm 2050, 4 người dân của Việt Nam thì hơn 1 người là cao tuổi, với tuổi thọ trung bình là 80 tuổi, cao thứ nhì Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Việc làm chưa chủ động một cách tích cực, ứng phó với già hóa dân số. Chúng ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hưng thịnh thì trách nhiệm của những người phụ lão, những người cao tuổi phải được nâng lên và phải được rõ ràng lên.

Theo ông Cừ, quốc tế đã xác định vấn đề người cao tuổi không phải là vấn đề chỉ riêng người già mà là vấn đề quốc gia, vấn đề quốc tế, người cao tuổi cần phải được lao động, vận động hợp lý để thể trạng được đảm bảo, để trí tuệ không bị sa sút và tăng thêm thu nhập. Với các cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đất nước chúng ta, người cao tuổi cần phải tích cực từ trung ương đến các địa phương, đặc biệt là ở cơ sở, nếu như người cao tuổi không phải là nòng cốt thì chắc chắn vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của chúng ta sẽ không thể đồng bộ và toàn diện được.

z6073585747966_637a7e8e25d4feebd9a449ff6383fc3e.jpg
Ông Trương Xuân Cừ phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

“Hiện nay, chúng ta có 15.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 25.000 tiến sĩ và rất nhiều giáo sư của Việt Nam đã có danh tiếng trên thế giới, được giải toán học gần ngang với Nobel. Ở kỷ nguyên tới, chúng ta không thể chỉ mỗi xuất khẩu lao động mà phải xuất khẩu các chuyên gia. Bởi vì, nó là vị thế của đất nước, nó là danh tiếng của đất nước và nó là thu nhập cho đất nước. Bởi đất nước này là đất nước trí tuệ, đất nước này là đất nước sản sinh ra những con người kiên cường, không chịu thấp kém”-ông Cừ nói và đề nghị quan tâm tới việc làm người cao tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH: “Ở kỷ nguyên tới, chúng ta không thể chỉ mỗi xuất khẩu lao động mà phải xuất khẩu các chuyên gia”