Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thách thức lớn cho ngành dệt may nước nhà. Giới chuyên gia nhận định, việc đầu tư công nghệ mới với ngành dệt may không phải là câu chuyện khó, mà cái khó nhất chính là nguồn nhân lực để có thể tiếp cận được với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất kinh doanh.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghệ 4.0) với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… đang tạo ra thách thức và cơ hội cho ngành dệt may. Với việc áp dụng tự động hóa, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, ngành dệt may sẽ có cơ hội sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm lao động trực tiếp và giảm thiểu tồn kho.
Đơn cử, việc ứng dụng phần mềm thiết kế ảo 3D trong thiết kế thời trang. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số DN dệt may, công nghệ thiết kế ảo 3D cho phép lấy số đo tự động, thiết kế và đưa ra những sản phẩm phù hợp, giúp rút ngắn và loại bỏ nhiều công đoạn so với phương pháp thiết kế truyền thống. Thời gian đưa sản phẩm ra thị trường cũng được rút ngắn hơn nhiều so với trước. Bởi vậỵ, đây là công nghệ tạo tính cạnh tranh cao cho các sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh đối với ngành dệt may không phải là điều dễ dàng. Ngành dệt may nước nhà đang gặp rào cản rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Điều này còn được chứng minh bởi thực tế, cho đến thời điểm này – khi mà cuộc cách mạng số đang bao phủ toàn cầu, thì tại Việt Nam không có nhà máy nào trong ngành dệt may đạt tiêu chuẩn công nghệ 4.0. Một con số khảo sát cho biết, Việt Nam chưa có công ty may nào đạt doanh thu tới 1 tỷ USD/năm. Dẫn đầu là Việt Tiến chỉ có 700 triệu USD/năm, An Phước cũng chỉ 500 triệu USD.
Có vị chuyên gia đã nói: “Nếu đem công nghệ 4.0 về Việt Nam, chưa chắc sử dụng hết công suất, vì hiện nay không có trường đào tạo, không có quy trình nguyên liệu đầu vào – đầu ra. Quan trọng hơn cả là ai sẽ điều hành được quy trình đó? Dường như việc ứng dụng công nghệ 4.0 đang khá bế tắc với ngành may mặc do thiếu nhân lực trầm trọng”.
Con số khảo sát của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại 300 DN cho thấy, nhân lực phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng cao với 84,4%, nhân lực có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm vỏn vẹn 5%, cao đẳng chiếm 10,6%. Nhiều ý kiến cho rằng, với trình độ lao động như vậy rất khó cho các DN ngành may mặc khi tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, mức độ sẵn sàng trong từng lĩnh vực của ngành dệt may với cách mạng công nghệ 4.0 cũng khác nhau, trong đó ngành sợi được đánh giá ở mức cao nhất với 3,02 điểm/5 điểm. Tuy vậy, các DN ngành sợi cũng mới chỉđầu tư một phần vào khoa học công nghệ, còn xây dựng chiến lược và mục tiêu lâu dài thì hầu như chưa có.
Bản thân lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhiều lần nêu lên thực trạng, nhân lực thiếu và yếu chính là điểm nghẽn lớn nhất của ngành dệt may trong quá trình đưa công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất. Để giải tỏa điểm nghẽn này, rõ ràng, việc nâng cao chất lượng, trình độ nguồn nhân lực trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết nhất. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự chủ động của DN trong việc đầu tư công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý bằng việc đưa ra những chính sách tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là tạo được sự kết nối giữa doanh nghiệp với các chuyên gia, trung tâm đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, hỗ trợ đào tạo nhân lực theo địa chỉ đặt hàng của DN…