Xã hội

Phó Bí thư Thái Bình: ‘Ngày hai buổi học, tối đi học thêm, đêm về làm bài đến 12h’

Duy Hưng 20/03/2024 20:55

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Tiến Thành nêu thực tế học quá tải trên của học sinh địa phương tại cuộc đối thoại giữa 355 cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức ngày 20/3.

z5268101145755_2a2dccc2764850a70883b3d1ad13e687.jpg
Cuộc đối thoại được tổ chức ngày 20/3 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Thái Bình.

Toàn tỉnh thiếu 1.470 cán bộ, giáo viên so với tổng biên chế

Tại cuộc đối thoại, 11 ý kiến của các cán bộ quản lý, giáo viên đến từ nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh Thái Bình phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập liên quan lĩnh vực giáo dục như: tổ chức bộ máy; biên chế giáo viên trong đó có vấn đề thừa thiếu giáo viên; vấn đề chế độ, chính sách cho nhà giáo trong đó có vấn đề nâng ngạch giáo viên…

Liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, những năm qua thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy tại tỉnh Thái Bình hình thành mô hình trường học liên cấp (trường Tiểu học và THCS); mô hình trường sắp xếp theo đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập. Bên cạnh những mặt tích cực các mô hình này cũng bộc lộ những vấn đề hạn chế, bất cập. Trong đó, do tỉnh thực hiện việc sáp nhập trường trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nên ở một số địa phương trong tỉnh có tình trạng một xã đến có 2-3 trường cùng cấp học…

Về vấn đề biên chế giáo viên, thông tin tại cuộc đối thoại cho biết, đến năm 2024, tổng số biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được giao cho các trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên của tỉnh Thái Bình là 24.398 nhưng tổng số hiện có chỉ là 22.928 người, thiếu 1.470 cán bộ, giáo viên. Mặc dù vậy, ở tỉnh lại đang tồn tại tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

z5267586401949_fd1f7ae3bdc4948bea4432bf130f7094.jpg
Đại diện cán bộ, giáo viên trong tỉnh phát biểu tại cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh Thái Bình.

Cũng theo phản ánh, một số cơ sở giáo dục ở tỉnh còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo Thông tư 13/2020/TT/BGDĐT của Bộ GDĐT. Trong khi, việc thực hiện xã hội hóa, huy động đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao...

Biên chế được giao nhưng không tuyển đủ, trách nhiệm của ai?

Phát biểu tại cuộc đối thoại, các lãnh đạo địa phương đều đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục, của đội ngũ nhà giáo trong tỉnh đối với sự nghiệp phát triển giáo dục; đồng thời khẳng định, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực phát triển lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.

z5267568753558_9c0b27712bf714d43903d0b2983b0b97.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phát biểu tại cuộc đối thoại.

Thông tin tại cuộc đối thoại cho biết, tổng chi ngân sách cho giáo dục của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 là 12.815 tỷ đồng, trong đó tổng ngân sách kinh phí sự nghiệp giáo dục được phân bổ giai đoạn 2021-2023 là 11. 262 tỷ đồng (năm 2021 là 3.196 tỷ đồng; năm 2022 là 3.976 tỷ đồng; năm 2023 là 4.117 tỷ đồng). Theo Giám đốc Sở Tài chính Phạm Hồng Tùng, mức này tương đương khoảng 50% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh mỗi năm.

Ngoài nguồn ngân sách, trong 3 năm qua tỉnh Thái Bình cũng huy động thêm 196 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Hiện tại, toàn tỉnh có 691/735 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia (94,1%), trong đó 490 trường đạt chuẩn mức độ 1, 201 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các sở ngành liên quan của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tiếp thu, giải trình, giải đáp những vấn đề các cán bộ, giáo viên phản ánh và chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh xem xét, giải quyết.

z5267571772303_785dcd36fc730701dff2294baa5ea959.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại cuộc đối thoại.

Liên quan đến kiến nghị tăng biên chế, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận, tổng biên chế giáo viên của tỉnh do Trung ương phân bổ, tăng giảm không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Giải pháp trước mắt là tỉnh phải có kế hoạch, giải pháp tuyển đủ số giáo viên theo số lượng được phân bổ.

“Số lượng biên chế đã được giao, nhu cầu của các trường thì cần, con em trong tỉnh cũng đang có nhu cầu cao về việc làm nhưng lại không tuyển dụng thì đây là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố”, ông Nguyễn Khắc Thận chỉ rõ.

Liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên, trong đó có các vấn đề về nâng hạng giáo viên, Bí Thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cho rằng, vấn đề này liên quan mật thiết đến việc xây dựng, triển khai đề án việc làm nhưng các cơ quan của tỉnh chậm triển khai trong khi ngày 1/7 tới chế độ tiền lương mới sẽ được áp dụng theo vị trí việc làm.

Ông Hải giao UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục từ nay đến tháng 6 phải hoàn thành, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

“Ngành giáo dục tỉnh phải thực tâm nhìn lại”

Ghi nhận những nỗ lực, thành tựu của ngành giáo dục, tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang tồn tại trong ngành. “HĐND tỉnh, đại biểu HĐND rất quan tâm, đặc biệt là cử tri, các bậc phụ huynh trong tỉnh quan tâm, chất vấn rất nhiều nhưng chưa có nhiều chuyển biến”, ông Thành nói.

z5267569067273_f85cd2c2b724eb0699fe9e118addc314.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành phát biểu tại cuộc đối thoại.

Nổi cộm, bức xúc nhất theo ông Thành là tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không kiểm soát.

"Dạy thêm học thêm không xấu nhưng phải đúng quy định. Học sinh tiểu học có cần phải học thêm không?”, ông Thành đặt câu hỏi và nêu thực tế: "Học sinh đã đến trường 2 buổi mỗi ngày, nhưng 5-7h lại đến nhà cô này học thêm một ca; 7-9h lại đến nhà cô kia học thêm ca thứ 2. Về đến nhà lại lăn ra làm bài tập đến 12h đêm. Nếu không làm xong thì mai đến lớp cô giáo sẽ phê bình; con khóc, mẹ cũng khóc, bố thì cáu. Rất căng thẳng, áp lực”.

Cũng theo ông Thành, tác hại của dạy thêm học thêm tràn lan là chương trình chính khóa thì không dạy nhưng lại mang về dạy ở nhà thầy cô giáo, ở các trung tâm dạy thêm. Học sinh nào không đi học thêm thì điểm kém.

“Chúng ta phải nhìn vào đời sống của những gia đình công nhân, người lao động. Thu nhập của họ giờ rất thấp, chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Trong khi nhiều gia đình còn phải thuê nhà và bao nhiêu thứ phải chi tiêu khác, rất khó khăn. Nếu nhà có 2 con, mỗi cháu học thêm 1 buổi hết 60.000 đồng/ca thì nhân lên là bao nhiêu, còn đâu để mà tái tạo sức lao động”, ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thành nêu thực tế có những trường vùng xa không dạy thêm học thêm, chỉ dạy kiến thức của nhà trường mà tỷ lệ học sinh vẫn đỗ cao.

Nhắc lại tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương là giáo dục toàn diện, bao gồm: giáo dục nhân cách, giáo dục phẩm chất cho học sinh ngoài kiến thức của nhà trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình nhìn nhận "nhiều nơi hiện không quan tâm" và nhấn mạnh "ngành giáo dục tỉnh phải thực tâm nhìn lại".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phó Bí thư Thái Bình: ‘Ngày hai buổi học, tối đi học thêm, đêm về làm bài đến 12h’