Sứ giả ẩm thực Việt

Hoàng Nam 29/01/2017 11:00

Cũng là một nghề để mưu sinh nơi đất khách quê người, nhưng những người kinh doanh ẩm thực Việt tại nhiều nước trên thế giới xứng đáng với danh xưng “sứ giả của ẩm thực Việt”. Họ- người xuất phát từ đam mê ẩm thực, người chọn cách nấu món ăn Việt mỗi ngày để phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Và chính họ đã đem ẩm thực Việt ra với thế giới.

Nhà hàng “Pho 99” của chị Út ở Nepal thu hút rất đông thực khách.

“Hủ tiếu Út nấu”

“Hủ tiếu do Út nấu. Rau mầm do Út trồng. Hoa hồng do Út tưới nước”- tôi rất ấn tượng và thích thú với những cách mà chị quảng bá món ăn Việt trên trang facebook của mình. Giản dị, chân thành và thân thương quá. Chị làm chọ không chỉ người Việt xa quê mà cả những người Việt ở trong nước như tôi cũng cũng thấy nôn nao.

Võ Thị Kim Cương (tên thường gọi là Út) quê ở Long An, chị sang Hawaii (Mỹ) định cư từ năm 2005. Năm 2010, khi về thăm gia đình chồng ở Nepal chị đã thuyết phục ông xã ở lại đây lập nghiệp chỉ sau 3 tháng khám phá và cảm nhận mảnh đất này.

Tại Nepal, Út là chủ hai quán phở tên “Pho 99” và “Saigon Pho”. “Saigon Pho” được mở cách đây 4 năm, còn “Pho 99” mở cửa trong khoảng 2 năm trở lại đây với 4 địa điểm: Phở 99 Jhamsikhel; Phở 99 Boudha; Phở 99 Lakh side Pokhara và Việt Ngon Saigon Phở, Lazimpat.

Kể về những ngày đầu lập nghiệp trên đất Nepal chị bảo khó không kể xiết. Điện cắt điện 12 tiếng/ngày, hàng xóm của Út hầu như không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới hay dùng nước mắm làm gì.

Những ngày đông lạnh 0 độ, lại thiếu nước sạch, mỗi lần hết nước nhà hàng phải ngưng bán để đợi nước về như thời bao cấp ở quê nhà. Nepal còn nghèo, chưa sản xuất được gas nên phải mua từ Ấn Độ.

“Có những thời điểm thiếu gas trầm trọng, nhà hàng không có gas để nấu ăn. Mình phải đi xếp hàng 5 tiếng để đem 1 thùng gas về nấu phở. Khó khăn cũng dần qua đi. Giờ đây, sau 6 năm, thành công Út có được là rất nhiều người bạn Nepal bắt đầu “nghiện” phở 99 và coi đó là món ăn “tủ” cơ đấy” - Út chia sẻ.

Theo lời Út, nhiều người dân bản xứ không chỉ nghiện món phở vì vị thơm ngon, rất lạ mà họ còn cho là tốt cho sức khỏe. Có người cứ khi nào bị cảm lại tìm ra quán rồi gọi một bát phở. Họ thường đùa “đây chính là thuốc chữa bệnh cảm cúm mùa lạnh rất hữu hiệu”.

Hỏi chị tại sao lại chọn nghề kinh doanh ẩm thực Việt ở Nepal? Út bảo, vì đam mê. Muốn bạn bè quốc tế biết đến ẩm thực Việt Nam. và khi hương vị của món ăn dậy mùi thơm của hành, tỏi, nước mắm mình... có cảm giác như đang ở trong chính gian bếp nơi quê nhà. Bạn biết không, mẹ và chị gái mình đều mở tiệm ăn đấy, Út khoe.

Rồi Út hỏi tôi: - Bạn có biết vì sao phở ở quán mình hấp dẫn được nhiều thực khách không? Và cũng chính chị trả lời luôn, đó là vì tất cả gia vị, bánh phở, hành, thơm...đều là do người nhà đưa từ Việt Nam sang. Ngoài ra, theo lời Út, để chế biến bất kỳ một món ăn Và ngoài kỹ thuật đòi hỏi người đầu bếp phải có tình yêu và cái tâm dành cho nó.

Cũng vì quá yêu “phở 99” mà một bạn sau khi từ Nepal trở về đã chia sẻ: “Đầu năm 2016, sau nhiều ngày lang thang dưới chân đỉnh Hymalaya, nhóm đi bụi chúng tôi bắt đầu thèm thức ăn Việt Nam một cách kinh khủng. Theo thông tin thì ngay tại thủ đô Katmandu, của đất nước Nepal có một nhà hàng Việt tên là Pho 99. Không thể hoãn lại sự sung sướng, chúng tôi nhanh chóng bắt taxi đến và gọi ngay một tô phở thập cẩm lớn bao gồm thịt bò, gà và cả ... hải sản. Phải nói là tuyệt vời, cơn “thèm khát” thức ăn Việt Nam đã nhanh chóng được giải tỏa”.

Tên là “Pho 99” nhưng thật ngạc nhiên vì quán có tới 70 món ăn khác nhau. Khách cần là có. Khách ăn là mê. Hầu hết toàn món ăn Việt. Mà món nào cũng được Út nấu cầu kỳ như đặc sản. Có lẽ đó cũng là lý do để những dịp cuối tuần hay ngày lễ Tết thì “Pho 99” chính là nơi mà 10 gia đình người Việt ở đây lui tới vừa là để thưởng thức, vừa là trò chuyện, hỏi thăm và trao đổi tình hình ở quê nhà.

Đặc biệt, đây cũng là mái nhà chung cho 144 người Việt Nam mắc kẹt ở Nepal trong trận động đất năm 2015. Sau động đất kinh hoàng đó, tất cả nhà hàng, khách sạn, siêu thị đều đóng cửa. Chỉ có Pho 99 Kathmandu của chị vẫn mở cửa cho người dân tá túc nên mọi người vẫn coi Pho 99 Kathmandu là Ngôi nhà chung ở Nepal, điều đó khiến chị hạnh phúc vô cùng!”.

Cũng giống như chị Út, chị Mỹ Vân, người phụ nữ luôn mang trong mình niềm đam mê ẩm thực cũng là một người phụ nữ mà tôi rất ngưỡng mộ. Cô gái Việt Nam nhỏ nhắn quê ở miền Tây Nam Bộ chân ướt chân ráo tới Bỉ hơn 10 năm về trước đã quyết tâm phải học một nghề để có thể tự mình xoay sở cuộc sống mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng.

Theo học một khóa nấu ăn, chị bảo không có tham vọng mở cửa hàng lớn mà chỉ muốn trong những ngày lễ, Tết hay một dịp nào đó, khi mời bạn bè đến nhà chị có thể trổ tài nấu những món ăn Việt đãi khách, để bạn bè biết nhiều hơn về nền ẩm thực phong phú của người Việt mình. Tinh tế và khéo léo trong cách chế biến mỗi món ăn của chị không chỉ hấp dẫn mà còn đầy tính nghệ thuật.

Chả thế không chỉ khách Việt mà nhiều khách Tây mê tít tài của chị. Cứ vào dịp cuối tuần hoặc khi gia đình nào đó muốn đãi khách, họ lại mời chị Vân tới nhà để nấu nướng, toàn là món ăn Việt. Trong khi họ vẫn ở công sở thì chị Vân được giao hẳn chìa khóa nhà để tới chuẩn bị đồ ăn. Nhiều nhân viên làm việc tại Liên minh châu Âu (EU) là khách hàng thân quen của chị. Mỗi khi thèm món ăn Việt, họ lại nhấc điện thoại mời chị Vân tới nấu nướng.

Cạnh tranh với các nền ẩm thực khác- tại sao không?

Chị Vân, chị Út chỉ là hai trong rất nhiều người Việt bằng nhiều cách để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt đến với những người bạn quốc tế. Đến giờ có thể nói rằng, ẩm thực Việt đã vượt không gian để từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế qua hàng loạt giải thưởng hấp dẫn: Phở đứng hạng nhất, bún chả được trang du lịch nổi tiếng National Geographic vinh danh là 1 trong 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới; sự kiện Christine Hà đạt giải nhất cuộc thi Masterchef tại Mỹ, hay bánh mỳ thịt từng làm điên đảo ẩm thực thế giới... khiến các phóng viên, giới đầu bếp nổi tiếng và cực kỳ khó tính của nước ngoài cũng phải hết lời khen tặng.

Nói về tinh hoa ẩm thực Việt, TS Sử học- Trưởng Đề án Bếp Việt Nguyễn Nhã đã chia sẻ thế này: ẩm thực Việt lạ lắm, càng khám phá càng thấy nhiều thú vị. Không thiên về bơ sữa như món ăn Âu, không nhiều dầu mỡ như món ăn Hoa cũng không dùng gia vị cay như món ăn Hàn Quốc…ẩm thực Việt là niềm tự hào không chỉ của người Việt bởi ngày càng được nhiều bạn bè thế giới biết đến, nằm trong top những món ăn ngon nhất thế giới…

Ngoài những đặc tính độc đáo lấy tự nhiên làm gốc vừa ngon vừa lành rất nổi trội nói trên, văn hóa ẩm thực Việt Nam còn có nhiều nét trội khác như lấy “ăn” làm thực đạo, cái gì cũng lấy từ ăn như ăn tết, ăn cỗ, ăn mừng... cũng như có thể ăn thêm, ăn bớt tùy theo cơ thể mỗi người.

Đặc biệt nhiều món ăn trở thành bữa ăn hoàn chỉnh như nem chả giò ăn thêm với bún, rau sống, đồ chua và nước mắm pha; bánh cuốn chấm mắm cà cuống…Nền ẩm thực ngon lành lấy tự nhiên làm gốc ấy đã được các gia đình, đặc biệt người phụ nữ Việt Nam dày công xây dựng hàng ngàn năm nay.

Hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, theo TS Nguyễn Nhã thì người Việt dĩ nhiên sẽ thích món ăn Việt, bởi nó mang hương vị quê hương, nhất là phở và nước mắm. Người Việt ở nước ngoài dĩ nhiên sẽ là những người hưởng ứng, quảng bá ẩm thực Việt với nhiều vai trò kể cả chủ nhà hàng, đầu bếp hoặc các dịch vụ cung cấp khác.

“Cái hồn văn hóa Việt chảy trong huyết quản của tất cả người Việt bởi dù ở đâu, chân trời hay góc biển người Việt mình sẽ vẫn giữ và phát huy cốt cách đó và đó là thế mạnh đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Bởi vậy, có ai đó hỏi tôi, ẩm thực Việt có cạnh tranh được với ẩm thực ở nhiều nước trên thế giới, tôi đã tự tin mà nói rằng: Tại sao không nhỉ?”- TS Nhã chia sẻ.

Trong danh sách các món ẩm thực được nước ngoài vinh danh như bánh mỳ, nem rán, bún chả, bánh xèo… có lẽ phở luôn là cái tên được xướng lên nhiều nhất. CNN xếp phở nằm trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới. Nhiều người nước ngoài đã chia sẻ rằng, nhắc đến ẩm thực Việt mà không nhắc đến phở quả là một điều thiếu sót. Phở tràn ngập trong các tạp chí ẩm thực, được những đầu bếp hàng đầu thế giới gọi tên, được ca ngợi trong những nhà hàng cao cấp bậc nhất…Đó là tự hào cũng là cơ hội để ẩm thực Việt ngày càng được quảng bá rộng rãi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sứ giả ẩm thực Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO