Mặt trận

Ông Mặt trận ba miền

Thu Hoàn 18/11/2023 18:52

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng, ông Hồ Xuân Sơn (tên khai sinh là Hồ Văn Lộc) đã sớm hình thành tình yêu quê hương, đất nước. Trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ tập hợp của Mặt trận Việt Minh, cả cuộc đời ông đã gắn bó với công tác Mặt trận, với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

dai-dien-gia-dinh-cu-ho-xuan-son-trao-tang-ky-vat-cho-bao-tang-mat-tran-to-quoc-viet-nam-nam-2023.jpg
Đại diện gia đình cụ Hồ Xuân Sơn trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2023.

Năm 1944, ông gia nhập Việt Minh, tích cực tham gia Hội Thanh niên Cứu quốc ở Huế đồng thời đảm nhận chức vụ Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ tại địa phương. Tháng 11/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1948-1949, ông giữ các chức vụ Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm kiêm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1950, ông là Ủy viên Huấn học của Liên khu 5 sau đó là Chánh Văn phòng, Ủy viên Đảng đoàn Mặt trận Liên Việt Liên khu 5.

Năm 1955, ông ra Bắc tập kết. Với nhiệt huyết cách mạng và kinh nghiệm từ công tác Mặt trận trong kháng chiến, ông được cử làm Vụ phó Vụ Nghiên cứu Mặt trận của Trung ương Đảng. Đầu năm 1962, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, của tiền tuyến lớn, ông xung phong trở lại chiến trường. Hành trình trèo đèo, lội suối, vai mang balô, lương thực đi bộ 1,5 tháng để về Liên khu 5 trong thể trạng ốm yếu, có những lần leo dốc cao và dài, ông bị ngất được bác sĩ săn sóc sau đó lại tiếp tục lên đường. Ông được phân công làm thành viên trong Ban Dân vận và Mặt trận Liên khu ủy Liên khu 5. Những tháng ngày công tác tại Liên khu 5, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn ngoài công việc ông cùng anh em trong Khu ủy tăng gia sản xuất để đảm bảo lương thực hàng ngày như: trồng sắn, bắp, bắt cá và ốc đá ở các suối,…

Cuối năm 1962, đang công tác ở Phú Yên, ông được điều động vào chiến khu Tây Ninh công tác tại Trung ương Cục miền Nam. Trên đường từ Phú Yên vào Trung ương Cục đầy gian khổ, hiểm nguy vì những trận càn ác liệt và kéo dài của địch và thời tiết khắc nghiệt. Đầu năm 1963, ông vào căn cứ Tây Ninh, được phân công công tác tại cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Với trọng trách là Ủy viên Thư ký Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông đã có rất nhiều đóng góp trong việc soạn thảo các văn bản quan trọng của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đặc biệt là trực tiếp tham gia biên soạn dự thảo Cương lĩnh chính trị mới của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1967. Ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam dày công, dốc toàn tâm, toàn trí xem xét tình hình quốc tế và khu vực, âm mưu mới của địch, tình hình của miền Nam lúc bấy giờ và cả nước, tình hình các giai cấp, tầng lớp, dân tộc ở miền Nam, thu thập ý kiến của các đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận, của các cấp, các ngành, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sau một tháng nỗ lực và quyết tâm, dự thảo Cương lĩnh Chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành. Bản Cương lĩnh chính thức đã được phổ biến rộng rãi khắp miền Nam Việt Nam, trong cả nước và gửi đến bạn bè quốc tế.

Trên Đài Phát thanh Giải phóng ngày đó, sau bản nhạc Giải phóng miền Nam, bản Cương lĩnh được phát đi như lời hiệu triệu toàn dân miền Nam Việt Nam hãy siết chặt tay nhau dưới bóng cờ Mặt trận, cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước, chung sức, đồng lòng tiến lên đánh bại kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần bản Cương lĩnh nhanh chóng lan tỏa vào quần chúng, trở thành thỏi nam châm thu hút và mở rộng mặt trận đại đoàn kết ở miền Nam và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế, động viên quân và dân ta quyết tâm cao độ giành thắng lợi cuối cùng.

Khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có nghị quyết về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông và một số cán bộ được chỉ định làm việc tại “tác chiến thất” của Trung ương Cục. Trước giờ nổ súng vài ngày, ông là người được đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục và Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tin tưởng giao nhiệm vụ phải cấp tốc đi PhnômPênh, Campuchia truyền đạt chủ trương của ta về Tổng tiến công và nổi dậy cho Đại sứ Nguyễn Văn Hiếu và một số cán bộ ta làm công tác kinh tế và hậu cần tại Phnôm Pênh. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông trong tình huống khẩn trương, gấp gáp và nguy hiểm nhưng ông đã thận trọng vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ. Khi ông trở về căn cứ, tiếng súng nổ khắp các thành thị, các vùng ở miền Nam, trong khí thế tiến công và nổi dậy của quân và dân toàn miền Nam Việt Nam.

Năm 1969, ông tích cực tham gia chuẩn bị thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam và sau đó tham gia nhiều Đoàn công tác của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam đi thăm hữu nghị chính thức của một số nước bạn bè như: Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức, Nam Tư, Ai Cập,…. để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn cả về tinh thần lẫn vật chất của bạn bè đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Ông là người vinh dự được cử đại diện cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Lênin (22/4/1870 - 22/4/1970).

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, ông được phân công phụ trách xây dựng Kế hoạch để tang Bác ở miền Nam, dự thảo bức thư gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận Trung ương lời chia buồn của đồng bào miền Nam và lời kêu gọi các lực lượng chính trị và nhân dân miền Nam biến đau thương thành hành động trước sự mất mát to lớn của dân tộc. Ông đã cùng đồng đội thức suốt đêm để làm việc cho kịp thời gian và có chất lượng. Và sau đó ông được phân công tháp tùng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ra Bắc dự lễ tang Bác.

Sau Đại hội thống nhất ba tổ chức Mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đầu năm 1977), ông được cử vào Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với những kinh nghiệm và tâm huyết của một người cán bộ Mặt trận lâu năm, ông lại tất bật, bận rộn với những chuyến công tác vào Nam ra Bắc đóng góp, hiến kế để xây dựng và vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm 1982, ông được nghỉ hưu theo chế độ nhưng bầu nhiệt huyết đối với đất nước, với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trong ông vẫn còn nguyên vẹn. Ông dành thời gian nghiên cứu và viết thư đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm về những văn bản quan trọng của đất nước, của Mặt trận, tham gia biên soạn cuốn sách “Chung một bóng cờ”. Ông thường xuyên qua lại T76 thăm anh em, đồng nghiệp, tham dự các buổi gặp mặt truyền thống, thăm lại những địa chỉ đỏ, căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Với ông, cơ quan Mặt trận thân thiết, gắn bó như là ngôi nhà thứ hai của mình.

86 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, 38 năm gắn bó với Mặt trận, đồng chí Hồ Xuân Sơn là một tấm gương cao đẹp về tinh thần chiến đấu, hy sinh, cống hiến cho đất nước, nhân dân và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Là người lăn lộn với công tác Mặt trận ở cả Bắc, Trung, Nam, ông được đồng chí, đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân mật và trìu mến: “Ông Mặt trận ba miền”. Với những đóng góp to lớn, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Mặt trận ba miền