Mặt trận

Chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tấn Minh 05/09/2024 10:53

Để mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số đã được đẩy mạnh, triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là ở vùng đồng bào DTTS.

bai tr5
Mô hình trồng lim, dổi xen kẽ cây quế của người dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Trung Thành.

Việc chuyển đổi số giúp người dân được tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao chất lượng sống ở vùng đồng bào DTTS.

Giai đoạn 1 từ năm 2023 đến năm 2025, nhiều xã thuộc khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi trên cả nước được thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng CNTT nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào DTTS, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Tiêu biểu như tại tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện nội dung trên, nhiều mô hình thôn, xã thông minh trên địa bàn tỉnh đã bước đầu đem lại hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa. Từ đó, góp phần đưa các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển bền vững. Nhờ có các mô hình thôn, xã thông minh, người dân ngày càng được tiếp cận với những tiện ích về CNTT, chuyển đổi số, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Huyện miền núi Ba Chẽ là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Từ bao đời nay, đời sống bà con các dân tộc trên địa bàn huyện chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, phát triển kinh tế rừng. Nhưng để khắc phục những khó khăn do địa hình mang lại, huyện Ba Chẽ đã đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử. Đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện tham gia mua sắm trực tuyến, tham gia các hoạt động thương mại điện tử đạt 53,6%. Toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP sử dụng mã số, mã vạch, dán mã QR, 100% cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; 97/148 hộ kinh doanh tại chợ trung tâm đã được hướng dẫn và thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng ngân hàng.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số; từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện.

Tỉnh Bình Phước cũng là địa phương đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào DTTS một cách khoa học và hiệu quả. Để thực hiện nội dung này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2022-2025.

Bình Phước đề ra mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, thông qua chuyển đổi số, 100% người có uy tín, đồng bào DTTS được hỗ trợ, nắm chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước. Vì vậy, hiện nay các huyện biên giới của tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh chuyển đổi số với nhà mạng giai đoạn 2023-2025, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội.

“Chuyển đổi số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Bình Phước đang từng bước hình thành và trong tương lai gần sẽ góp phần thay đổi cách quản lý, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội” - bà Minh cho biết.

Có thể thấy, việc giúp đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng CNTT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức của người dân. Từ đó, góp phần tăng cường giao tiếp, quảng bá sản phẩm, phát triển kinh tế trao đổi thông tin đa chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, xóa bỏ rào cản về khoảng cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số