Giai đoạn 2024 – 2029, tỉnh Cà Mau phấn đấu giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS toàn tỉnh từ 2%/năm trở lên. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS của các xã khu vực III và ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS giảm từ 2,5%/năm trở lên. Thấp hơn mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).
Sở dĩ Cà Mau đặt chỉ tiêu dưới mức của Chương trình MTQG 1719 là nhằm bảo đảm công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh đạt được mục tiêu bền vững. Tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ giải quyết các vấn đề cấp bách ở vùng “lõi nghèo” của tỉnh để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, hạn chế tình trạng nghèo phát sinh.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần thứ IV năm 2024 vừa được tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, mặc dù đã đạt nhiều thành tựu nhưng công tác giảm nghèo vùng DTTS chưa thực sự bền vững. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 54,4 triệu đồng, tăng 1,51 lần so với năm 2019. Hộ nghèo DTTS cuối năm 2023 chỉ còn 713 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,09% trong tổng số hộ DTTS trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm đáng kể nhưng có thể tái nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, trình độ học vấn còn thấp, nhất là sau đại dịch Covid – 19. Một bộ phận người lao động là đồng bào các DTTS rơi vào cảnh việc làm bấp bênh, bị mất việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Thực tế cũng cho thấy, hộ nghèo phát sinh đang là thách thức trong giảm nghèo bền vững của tỉnh Cà Mau, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng DTTS. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, so với năm 2022, hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.344 hộ nghèo phát sinh ở khu vực nông thôn. Cùng với đó, khu vực nông thôn của tỉnh có thêm 1.112 hộ cận nghèo phát sinh.
Để giảm nghèo bền vững, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cà Mau lần thứ IV năm 2024 vừa được tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải yêu cầu, thời gian tới cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng DTTS nhằm từng bước phát triển toàn diện, vững chắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh; trọng tâm là các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy hơn nữa người có uy tín trong đồng bào DTTS để góp phần xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt. Trước tiên là đầu tư cho phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, các công trình nước sinh hoạt; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên DTTS; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường. Vận động các hộ nghèo đề cao ý thức vươn lên, chăm lo lao động để thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021 – 2025, vùng DTTS của tỉnh có 5 xã khu vực III và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III. Ngoài ra, tỉnh vừa được bổ sung thêm 32 ấp, khóm có đông đồng bào DTTS theo Quyết định số 497/QĐ-UBDT, ngày 30/7/2024 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tỉnh Cà Mau cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2029, vùng DTTS của tỉnh không còn địa bàn đặc biệt khó khăn. Như vậy, tỉnh Cà Mau đặt chỉ tiêu giảm địa bàn đặc biệt khó khăn sớm hơn lộ trình được Quốc hội khóa XIV quyết nghị tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Chương trình MTQG 1719 của cả giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030 cơ bản không còn địa bàn đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực khác để tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng DTTS của tỉnh, duy trì 100% số xã trong vùng có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 85% đường liên ấp được bê tông hóa, cứng hóa...Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào DTTS tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, cần gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tập trung giải quyết tốt chính sách lao động và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.